Quán bên đường  
 

Thơ: Minh Phẩm*

Phạm Duy

Ngày xưa ngày xửa ngày xưa
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe mầu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ.
À a a nhớ nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học
Thèm đi học...

Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao.

Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui
Nhà em phải chăng là đây?
Dè đâu chẳng may là quán
Em bẹo hình hài đem bán...
Rồi em hỏi anh: làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi.
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau.

Bánh ngọt cùng mời ăn
Nhớ chăng củ khoai ngon
Bánh tươm vàng như nắng
Bánh này mình chưa cắn
Sao mà miệng cay đắng?
Rồi xin một nụ cười thôi
Cười ư ? Anh đã vùi quên nụ cười
Thì xin vài giọt lệ rơi
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi
Trước khi từ giã hỏi nhau buồn hay là vui
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời...
 

* Minh Phẩm là một trong ba bút hiệu của Trang Thế Hy trong thời gian cộng tác với tuần san Vui Sống của ông Bình-nguyên Lộc. Bài thơ này có tựa nguyên thủy là Đắng Và Ngọt. Khi đăng trên tuần san Vui Sống số 9, với sự đồng ý của tác giả, ông Bình-nguyên Lộc đổi tựa thành Cuộc Đời.
Bài thơ được ông Bình-nguyên Lộc trao cho Phạm Duy để phổ nhạc (1963) và bản nhạc mang tên là Khoai Ngọt Bánh Đắng, đã in làm phụ bản cho truyện dài Quán Tai Heo của Bình-nguyên Lộc, vì trong đó bài thơ được nhắc đến nhiều lần. Về sau, khi xuất bản bản nhạc này Phạm Duy thay tựa mới là Quán Bên Đường với tên thi sĩ là Vô Danh.